Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân thăm, tặng quà cho trẻ em đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau nhân dịp Tết Trung thu 2023 (ảnh minh họa)
Theo đó, để tăng cường, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ tốt nhất, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng sát với thực tiễn địa phương, đơn vị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự phát triển của thế hệ tương lai gắn với phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; phối hợp chặt chẽ các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và vận động nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tiêu chuẩn, quy trình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em phù hợp giai đoạn mới. Đổi mới cơ chế, chính sách xã hội hóa, khuyến khích, huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, xã hội tham gia, phối hợp thực hiện tốt các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Bảo đảm nguồn lực trong thực hiện chính sách đối với trẻ em; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội,.. cho trẻ em.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật; bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển được ưu tiên lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển quốc gia, ngành, địa phương.
Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về trẻ em theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp. Nâng cao năng lực, đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; quản lý chặt chẽ các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo trợ, các hoạt động xã hội, từ thiện và các hoạt động khác liên quan đến trẻ em.
Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch tạo sự đồng bộ, phát triển liên tục từ những năm đầu đời đến khi trưởng thành của trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Tiếp tục đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi; phát triển hệ thống phúc lợi, dịch vụ xã hội cho trẻ em theo hướng liên thông, chất lượng, thuận lợi trong tiếp cận. Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, nêu cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, chuẩn bị cho trẻ em sống có trách nhiệm, thực hiện bổn phận với gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, quê hương đất nước phù hợp với lứa tuổi.
Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác vận động, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".