Hỏi đáp chính sách lao động, việc làm, đào tạo nghề và bảo hiểm xã hội
Hỏi đáp chính sách lao động, việc làm, đào tạo nghề và bảo hiểm xã hội
Câu 1. Hỏi: Doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động có được phép sử dụng người nước ngoài để cho thuê lại hay không?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành và giám sát của người sử dụng lao động.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 151 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây: (i) đủ 18 tuổi và có hành vi dân sự đầy đủ; (ii) có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc và có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; (iii) không phải người trong thời gian chấp hành án phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; (iv) có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật Lao động.
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, người lao động thuê lại là người lao động có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được doanh nghiệp cho thuê lại tuyển dụng và giao kết hợp đồng lao động, sau đó chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của bên thuê lại lao động.
Căn cứ quy định nêu trên, quy định pháp luật về cho thuê lại lao động không phân biệt người lao động thuê lại là người Việt Nam hay người nước ngoài. Khi tuyển dụng, sử dụng, cho thuê lại lao động là người nước ngoài thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải tuân thủ đúng các quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
Câu 2. Hỏi: “Tôi năm nay 53 tuổi (nữ), đóng BHXH tự nguyện được 5 năm. Xin hỏi, nếu tôi tiếp tục đóng BHXH tự nguyện đến năm 60 tuổi thì có được nhận lương hưu không, theo Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua?
Trả lời: Theo quy định của Luật BHXH mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ thì kể từ ngày 01/01/2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 55 tuổi 4 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Trường hợp của bà, năm nay 53 tuổi có thời gian đóng BHXH là 5 năm, nếu bà đóng BHXH tự nguyện liên tục đến khi 60 tuổi (năm 2031) thì khi đó bà có thời gian đóng BHXH là 12 năm chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí.
Do vậy, bà nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 15 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu hàng tháng đến trọn đời, khi đó bà còn được cấp thẻ BHYT miễn phí và được hưởng các chế độ liên quan của người hưởng lương hưu.
Câu 3. Hỏi: Anh A hỏi, tháng 01 năm 2024, anh là bộ đội xuất ngũ, có giấy học nghề của Bộ Tổng tham mưu cấp. Sau khi vừa xuất ngũ, anh đã tìm các trường đào tạo nghề để xin học nghề mình mong muốn. Anh muốn hỏi khi bộ đội hoàn thành xong nhiệm vụ được xuất ngũ thì được hỗ trợ học nghề như thế nào?
Trả lời: Đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ được thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm và Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho Bộ đội xuất ngũ theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP. Theo đó:
Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi là Thanh niên) tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp và có thể lựa chọn và đăng ký học nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu học nghề, nhu cầu của thị trường lao động, phù hợp với điều kiện của người học.
Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp Thẻ, thanh niên lựa chọn nghề và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nộp hồ sơ tuyển sinh kèm theo các giấy tờ theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH.
Về trách nhiệm giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho Thanh niên: Căn cứ điểm b, khoản 5, Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH, Sở LĐTBXH tỉnh/thanh phố (nơi cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo) có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện. Do vậy, bạn có thể liên hệ Sở LĐTBXH tỉnh/thành phố nơi cơ sở giáo dục nghề nghiệp bạn dự kiến nộp hồ sơ để được hướng dẫn./.